Ðức Cha
Berrio-Ochoa kết thúc bài tường thuật về cuộc tử đạo hết sức anh
hùng của Ðức Cha Sampedro như sau: "Cuộc tử đạo và xưng đức tin
của ngài đã làm cho nhiều người trở lại đạo hơn nhiều năm làm
việc giảng đạo". Thật vậy, đức cha chịu một hình khổ ghê gớm và
lâu dài không những đã làm cho người Công Giáo thêm kiên cường
xưng đạo mà còn làm cho người bên lương nhận ra đạo thật.
Sáng sớm ngày 28-7-1858, hai quan lớn cỡi voi, bốn người cỡi
ngựa, bốn người khiêng chiêng trống cùng với 500 lính, 20 đao
phủ áp giải Ðức Cha Sampedro, 37 tuổi, sau 20 ngày tù tội, và
hai chú giúp việc ra pháp trường. Ðức cha mặc áo dòng, một tay
cầm sách nguyện, một tay ban phép lành cho dân chúng hai bên
đường, trên cổ đeo gông thật nặng và chân mang xích sắt kêu leng
keng, nét mặt hân hoan như đi lãnh triều thiên chiến thắng. Ðoàn
người đi qua nửa thành phố đến cửa đông ra ngoài thành.
Tới pháp trường quan ra lệnh cột hai chú vào hai cọc. Ðức cha
khuyên bảo hai chú vững lòng chắc chắn về trời. Theo lệnh, lý
hình chém đầu người thứ nhất tên Tiệp, tung đầu lên cao cho mọi
người xem thấy rồi đến chú Hiền. Tới phiên hành quyết đức cha,
quan ra lệnh trước hết chặt chân rồi đến tay, đầu và mổ bụng đốt
ruột gan. Ðức cha bị trói chân tay vào các cọc và một tấm gỗ đè
trên ngực. Năm tên đao phủ cầm búa bổ xuống dưới chân 12 nhát
như bổ củi, trong khi miệng đức cha vẫn kêu to Thánh Danh Giêsu,
máu chảy lai láng. Sau đó lý hình bổ bẩy tám nhát chặt tay. Sau
khi chặt chân tay, lý hình bổ thêm 15 nhát chặt đứt đầu và lấy
dao mổ bụng. Sau đó các phần thân thể được vất xuống hố, lấp đất
và cho voi đạp lên. Còn đầu bêu ở trên cửa phía Nam của thành
Nam Ðịnh hai ngày, rồi bị đập nát thành mảnh vụn và quẳng xuống
sông ban đêm.
Vị
mục tử can đảm Melchior Garcia Sampedro sinh ngày 26-4-1821 tại
San Pedro de Arrojo, Tây Ban Nha. Sau khi đậu tú tài thần học,
cậu xin vào tu trong dòng Ða Minh tại Ocana năm 1845 và ngày
16-8-1846 được khấn dòng. Ngày 29-5-1847 Thầy Sampedro được thụ
phong linh mục và tình nguyện đi truyền giáo. Sau khi tới Manila
dạy học một thời gian vắn, Cha Sampedro được như ước nguyện là
đi truyền giáo ở Bắc Việt. Ngày 28-2-1849 cha tới Ðông Xuyên,
nơi ở thường xuyên của Ðức Cha Hermosilla. Cha được Ðức Cha đặt
tên cho là Xuyên, tên của con sông và dân làng. Sau khi họp công
hội và phân chia địa phận, Cha Xuyên theo giúp cha bề trên giám
tỉnh tại Nam Am cho tới tháng 3-1850 được Ðức Cha Sanjurjo, địa
phận Bùi Chu, đặt làm bề trên chủng viện ở Cao xá.
Cha Sampedro hết lòng chu toàn bổn phận và đặc biệt có tinh thần
khắc khổ, ham thích cầu nguyện và hãm mình ăn chay và đánh tội
tùy theo mức độ cha linh hướng cho phép. Ðời sống thánh thiện
của cha đã khiến bề trên cất nhắc lên làm tổng đại diện năm
1852. Cha Sampedro còn dành nhiều thời giờ để dịch các sách và
dậy giáo lý cho 54 gia đình gần 500 người tại một làng gần Cao
Xá. Ðức Cha Sanjurjo đã viết về công việc tông đồ của cha như
sau: "Họ đạo mới lập này ngoài ơn Chúa phải kể công đầu cho Cha
Sampedro, cha chính địa phận và bề trên nhà dòng, đã mở đường
cho cuộc trở lại tập thể. Ngoài ra cha cũng giảng dậy cho ba bốn
làng kế cận. Các dân làng thích nghe ngài giảng và mong muốn
nhận lãnh phép rửa tội".
Trong hoàn cảnh cấm đạo, Ðức Cha Sanjurjo đã được phép tòa thánh
chọn đức cha phụ tá và ngài chọn cha chính Sampedro. Lễ phong
chức đã diễn ra tại Bùi Chu ngày 1-9-1855 khá long trọng. Chẳng
bao lâu Ðức Cha Sanjurjo bị bắt ngày 21-5-1857. Ðức Cha Sampedro
làm mọi cách để chuộc tự do cho đức cha kể cả việc vận động với
sứ quán Tây Ban Nha và Pháp, nhưng tầu đến vịnh Bắc Việt thì Ðức
Cha Sanjurjo đã bị chém đầu. Tình thế mỗi ngày một thêm trầm
trọng, quan tổng đốc ra thêm nhiều lệnh truy lùng đạo trưởng và
bắt mọi người phải đạp ảnh. Các xã trưởng phải làm tờ trình đã
bỏ đạo và mỗi làng phải dựng chùa. Ðức Cha Sampedro vội phong
chức giám mục phó cho Cha Valentino Berrio-Ochoa mới sang Việt
Nam vào đêm ngày 13-6-1858 trong một nhà giáo dân.
Dù
làm đầu địa phận, Ðức Cha Sampedro thường xin các cha khác chỉ
vẽ các sai lỗi của mình và năng nhận mình là một tội nhân trước
mặt mọi người. Ngoài việc mặc áo nhặm thường xuyên, đức cha còn
có lòng kính mến Ðức Mẹ, đầu các thư viết bao giờ cũng có ghi
tên Maria. Ðức cha thường khuyên nhủ người khác đừng bao giờ bỏ
lòng tôn kính Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chính ngài mỗi ngày lần
hạt kính những sự thương khó của Ðức Mẹ.
Trước những cuộc lùng bắt thường xuyên của các quan, đức cha
phải đổi chỗ trú ẩn luôn. Thế nhưng đêm ngày 7-7-1858, đức cha
bị bắt với hai chú Ðominicô Tiệp và Ðominicô Hiên tại Kiên Lao.
Khi làng Kiên Lao bị quân lính bao vây, đức cha đang trốn ở một
nhà bên ngoài vòng vây. Ðức cha trốn trong hầm ở ngoài đồng và
ban đêm dân chúng bị các quan hành hung chạy trốn ra ruộng lúa,
đức cha cũng theo họ chạy ra ruộng lúa nhưng bị rượt theo, qua
khỏi ba cánh đồng thì bị bắt. Hôm sau, 8-7, ngài bị áp giải về
Nam Ðịnh. Ðức cha luôn luôn tỏ ra vui vẻ trong tù, chịu đựng mọi
hành hạ.
Các quan tra hỏi nhiều điều song đức cha chỉ một mực xưng đức
tin và chối mọi điều các quan buộc tội cho. Các quan buộc cho
ngài ba thứ tội: lén lút giảng đạo đã bị cấm, bí mật kêu tầu
ngoại quốc đến và là thủ lãnh của một đảng phản loạn. Ðức Cha
Sampedro hiên ngang nhận điều thứ nhất, còn điều thứ hai, đức
cha nói rằng tầu ngoại quốc tới chỉ có mục đích duy nhất là xin
tự do tôn giáo, điều buộc tội thứ ba hoàn toàn ngược lại với thư
chung gửi giáo dân trong đó cấm người Công Giáo không được theo
người làm loạn, nếu không tuân theo lệnh sẽ không được nhận các
bí tích.
Dù
biện hộ thế nào các quan cũng khép án như sau: "Luật pháp trong
nước nghiêm cấm đạo Giatô, nhưng đạo trưởng Xuyên đã cả gan xâm
nhập để lừa dối dân chúng từ chín năm nay. Theo như lời khai của
chính tội nhân, hắn là thủ lãnh tín đồ Giatô ở các huyện Giao
Thủy, Kiên Xương và Thái Bình cũng như các tín đồ ở tỉnh Hưng
Yên, Hải Dương. Vì thế đạo trưởng tên Xuyên tội đáng phải chết.
Tội của hắn còn nặng thêm vì đã bí mật sai người đi đem tầu Âu
Châu tới để xúi dục dân chúng làm loạn như nhiều người phản
nghịch đã khai". Bản án của các quan tỉnh Nam Ðịnh được vua Tự
Ðức phê: "Như đã bắt được đạo trưởng Âu Châu thì phải chém đầu
và bêu đầu ba ngày rồi ném xuống sông. Thế nhưng vì tên nghịch
này đã lập đảng và đứng đầu nên tội ra nặng thêm. Trong khi tra
khảo, nó chối tội ác này nhưng những người khác đã xưng ra. Phải
coi hắn là đầu đảng nghịch và chiếu theo luật pháp thì phải xử
phân thây. Ðầu phải bêu ba ngày rồi bỏ xuống sông để mọi người
biết rõ lề luật".
Hài cốt của vị chủ chăn anh dũng sau khi bị chôn ở hố được giáo
dân đem về chôn ở Bùi Chu. Năm 1888, Ðức Cha Venceslao Onhate
cho phép mang di hài về quê quán ở Oviedo chỉ giữ lại cánh tay
mặt ở Bùi Chu và cánh tay trái ở nhà dòng Ða Minh tại Manila.
(St)
Trường Thi Tử Đạo
Giuse Xuyên dòng
Ðaminh Giám mục
Sinh Tân Tỵ (1821) quê thực (Tây) Ban Nha
Thủa nhỏ cậu đã tỏ ra
Sống đời đạo đức như là nguyện kinh
Mười hai tuổi thuận tình cha mẹ
Cầu vào dòng mau lẹ triển khai
Nhà nghèo làm ruộng sinh nhai
Dành dụm nuôi cậu tương lai giúp đời
Vào đại học tuyệt vời xuất sắc
Khi rảnh còn dẫn dắt đàn em
Vài giờ âm nhạc dạy thêm
Triết thần thầy cũng được khen học tài
Mỗi niên học có vài lần nghỉ
Thầy trở về hủ hỷ gia đình
Giúp cha làm ruộng thực tình
Học trò nhìn thấy làm thinh thầy cười
Giúp xứ đạo thầy thời dạy trẻ
Từ thiếu nhi đến kẻ trung niên
Cầu nguyện thầy quỳ liên miên
Cái ông cầu nguyện là tên chỉ thầy
Ðiều mong ước xưa rày xin Chúa
Ban cho thầy chan chứa tình thương
Giúp cho những kẻ đi lương
Mau mau trở lại con đường giáo dân
Thầy tình nguyện dấn thân truyền giáo
Tại Viễn Ðông giảng đạo Kitô
Danh tánh thầy được tung hô
Chịu chức linh mục điểm tô Ðinh Mùi (1847)
Tân linh mục cuộc đời truyền giáo
Dọn hành trang chu đáo tới Phi
Macao trên bước đường đi
Kỷ Dậu (1849) cha đến Bắc Kỳ Việt Nam
Cha được gọi bằng tên tiếng Việt
Mang tên Xuyên đặc biệt từ đây
Tiếng Việt cha học rất hay
Giám đốc chủng viện từ rày quản cai
Cha Xuyên vốn có tài thuyết giáo
Ngài giỏi giang việc đạo việc đời
Bề Trên phụ tỉnh cử người
Là tấm gương sáng tuyệt vời chủng sinh
Cha Xuyên vốn hãm mình mẫu mực
Ăn chay trường theo luật nhà dòng
Thấy dân còn kém chưa thông
Xuất bản nhiều sách cho không tín đồ
Ngài nổi tiếng tung hô danh Chúa
Cả một làng vùng đó đi lương
Nhờ cha hướng dẫn con đường
Trở về với Chúa tình thương đặm đà
Tính gia đình kể là hăm bốn (24)
Số giáo dân tính gọn năm trăm (500)
Ðức Cha An ghé lại thăm
Khen cha tài giỏi tiếng tăm loan truyền
Ðức Cha An mất liền Nhâm Tý (1852)
Cha Xuyên được đề nghị thế vô
Ất Mão (1855) đại phận tung hô
Ngài lên Giám mục Bùi Chu lẫy lừng
Lễ tấn phong vô cùng trọng thể
Tại Bùi Chu môn đệ thật đông
Ðức Cha Xuyên rất có công
Ban phép rửa tội số đông tân tòng
Lệnh cấm đạo trong vùng nghiêm ngặt
Ðặt chương trình sắp đặt đi thăm
Mặc dầu đêm vắng tối tăm
Với bao lệnh bắt chỉ nhằm vào (Ðức) Cha
Nguyễn Ðình Tân đang là Tổng đốc
Rất hăng say ác độc bấy giờ
San bằng cô nhi (viện), nhà thờ
Bùi Chu, Lục Thuỷ bất ngờ Phú Nhai
Ðức Cha Xuyên đầu ngài giá đắt
Cho những ai rình bắt Ðức Cha
Ðịa phận rộng, chiên bao la
Nếu không có chủ ắt là nát tan
Ngài cầu nguyện kêu van cùng Chúa
Con giờ đây đứng giữa phong ba
Cho con tìm một Ðức Cha
Ðể ngài thế vị khi qua thế trần
Cha chính Vinh lãnh phần tuyển chọn
Lễ tấn phong gỏn gọn quá chừng
Cha Vinh vui vẻ đón mừng
Gậy tre, mũ giấy chưa từng xưa nay
Lễ tấn phong vài ngày sau đó
Công việc ngài Ðức Phó trông coi
Ði thăm giáo họ vài nơi
Kiên Lao, Quần Cống nghỉ ngơi ông trùm
Nào ai ngờ miệng hùm chực sẵn
Bọn quan quân vây bắt được ngài
Chú bé giúp lễ cả hai
Giải về Nam Ðịnh cổ ngài mang gông
Ba tuần lễ giam không tra hỏi
Bản án phê tử tội lăng trì
Pháp trường trên bước đường đi
Miệng ngài cầu nguyện tay thì giơ cao
Bọn lý hình gươm đạo tuốt sẵn
Sau hồi chiêng chặt hẳn tứ chi
Cổ ngài sửa soạn tức thì
Chặt luôn theo án lăng trì xưa nay
Phúc tử đạo đẹp thay Mậu Ngọ (1858)
Ngài chầu trời tuổi thọ chưa cao (37)
Rôma Toà Thánh ban trao
Suy tôn Tân Mão (1951) trời cao hộ phù
Lời bất hủ: Ðức cha Xuyên thường tự xưng là: "Kẻ tội
lỗi khốn khổ". Ngài thường xuyên khuyên người khác: "Hãy nhìn
khuyết điểm của tha nhân để sửa mình và sẵn sàng lắng nghe ý
kiến của mọi người". |